Tin chuyên ngành

Giá dầu thế giới giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu

Ngày 05-09-2024 Lượt xem: 40

Phiên 4/9, giá dầu thô thế giới giảm hơn 1 USD/thùng, trước những lo ngại về nhu cầu trong những tháng tới, giữa lúc các nhà sản xuất dầu thô phát đi những tín hiệu trái chiều về việc tăng nguồn cung.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,05 USD, hay 1,42%, xuống còn 72,70 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,14 USD, tương đương 1,62%, xuống còn 69,20 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch, giá cả hai loại dầu trên đều biến động tăng giảm đến 1 USD sau tin tức cho hay Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang thảo luận về việc trì hoãn tăng sản lượng vì sản lượng của Libya được dự đoán sẽ tăng lên.

So với hơn một tuần trước, giá dầu Brent đã giảm đến 11%, hay 9 USD, khi có thời điểm chạm mức thấp nhất là 72,63 USD/thùng trong phiên này.

Dữ liệu yếu kém từ Mỹ và Trung Quốc củng cố dự đoán về khả năng nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá dầu.

Các số liệu gần đây đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu yếu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, và hoạt động tiêu thụ của Mỹ bị ảnh hưởng.

Số liệu được công bố cuối tuần trước của Trung Quốc cho thấy hoạt động chế tạo đã giảm xuống mức thấp nhất sáu tháng qua vào tháng Tám, khi giá nhà mới tăng chậm lại. Còn tại Mỹ, số liệu đầu tuần này của Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy hoạt động chế tạo vẫn ảm đạm.

Trong khi đó, các nhà giao dịch tin rằng tình hình xung đột tại Libya, đã khiến nước này phải ngừng xuất khẩu dầu, có thể sẽ kết thúc. Diễn biến này sẽ giúp gia tăng nguồn cung dầu thô.

Ông Alex Hodes, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhận định đợt bán tháo này đã khiến thị trường chuyển sự chú ý đến phản ứng của OPEC+. Tuần trước, nhóm này dường như đã sẵn sàng bắt đầu các đợt tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng 10.

Ông Hodes cho biết OPEC+ hiện đang quan ngại về giá cả và các nguồn tin cho hay nhóm này đang thảo luận về khả năng hoãn tăng sản lượng./.

Nguồn: BNews

Gọi điện: 0243 202 2102
wiget Chat Zalo